Báo cáo Logistics Việt Nam 2024

Báo cáo Logistics Việt Nam 2024
Bên cạnh cung cấp thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong năm vừa qua, Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do” tập trung phân tích tầm quan trọng và tiềm năng của các FTZ đối với sự phát triển của ngành logistics, đồng thời đưa ra các nhận định và khuyến nghị về chiến lược phát triển bền vững. Báo cáo cũng sẽ đánh giá các mô hình phát triển FTZ thành công trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và gợi mở các chính sách phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 được kết cấu bao gồm 07 chương. 
1. Môi trường kinh doanh dịch vụ logistics;
2. Hạ tầng logistics;
3. Dịch vụ logistics;
4. Logistics tại doanh nghiệp sản xuất và thương mại;
5. Các hoạt động liên quan đến logistics;
6. Phát triển logistics ở địa phương;
7. Chuyên đề: Khu thương mại tự do.
Báo cáo được xây dựng với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, hiệp hội, các tổ chức đào tạo và nghiên cứu... trên cơ sở hệ thống thông tin và dữ liệu đáng tin cậy, cập nhật từ các nguồn thông tin chính thống và kết quả khảo sát thực tế.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2024
Flie báo cáo từ Bộ công thương: /uploads/news/2024_12/bao-cao-logistic-viet-nam-2024.pdf


images1986191 DSC09102

Năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện... Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất ổn định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính. Bên cạnh đó, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội…

A. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Các báo cáo kinh tế toàn cầu của các tổ chức quốc tế công bố quý III/2024 đều thống nhất dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới quanh mức 2,6 - 2,7%, cao hơn một chút so với thời điểm công bố dự báo đầu năm 2024. Nhìn chung, Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều nhận định nền kinh tế toàn cầu đang dần ổn định sau nhiều năm chịu những cú sốc, lạm phát tại hầu hết các
nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp ổn định và nguy cơ suy thoái kinh tế đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, lãi suất cao trong thời gian dài, khó khăn về nợ và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục thách thức tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.

B. Thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu
Trong báo cáo Triển vọng thương mại toàn cầu và thống kê, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định tăng trưởng thương mại sẽ cải thiện dần trong năm 2024, bất chấp xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị. Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng 2,6% trong năm 2024 và 3,3% trong năm 2025, do nhu cầu giao dịch hàng hóa tăng trở lại sau khi suy giảm vào năm 2023.
Giá năng lượng cao và lạm phát kéo dài đã tác động đến nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất phục vụ thương mại, nhưng nhu cầu này sẽ phục hồi khi áp lực lạm phát giảm bớt và thu nhập thực tế của hộ gia đình được cải thiện. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5% trong năm 2024, cải thiện đáng kể so với mức 0,2% của năm trước nhưng vẫn thấp hơn tốc độ trung bình của hai thập kỷ trước đại dịch (2000 - 2019).
Báo cáo cập nhật về thương mại toàn cầu của UNCTAD vào tháng 7/2024 cũng cho thấy tình hình thương mại toàn cầu đã dần phục hồi, nhưng chưa ổn định, với thương mại hàng hóa tăng khoảng 1% theo quý trong quý I/2024, thương mại dịch vụ tăng trưởng khoảng 1,5% theo quý (Hình 1.2). Nếu xu hướng tích cực vẫn tiếp tục, thương mại toàn cầu vào năm 2024 có thể đạt gần 32 nghìn tỷ USD.
UNCTAD cũng nhận định, những yếu tố có liên quan nhất ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu năm 2024 gồm: (i) Tăng trưởng kinh tế tích cực, nhưng có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia và khu vực, ảnh hưởng đến các mô hình thương mại; (ii) Nhu cầu tăng đối với các sản phẩm năng lượng xanh và máy tính liên quan đến AI; nhu cầu về các sản phẩm như xe điện, tấm pin mặt trời, pin và chất bán dẫn cao cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia; (iii) Tăng trợ cấp và các biện pháp hạn chế thương mại, do các quốc gia ưu tiên các mối quan tâm trong nước và tính cấp thiết của việc đáp ứng các cam kết về khí hậu, có thể sẽ tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của thương mại quốc tế, đặc biệt là trong một số lĩnh vực chiến lược; (iv) Thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi phản ứng của chuỗi cung ứng đối với những thay đổi trong chính sách thương mại và căng thẳng địa chính trị; (v) Xét theo trình độ kinh tế, các nước đang phát triển thể hiện xu hướng tích cực về cả nhập khẩu và xuất khẩu, trong khi các nước phát triển có xuất khẩu tích cực, nhưng nhập khẩu khá trì trệ. Xét theo khu vực, Đông Á và châu Mỹ chứng kiến tăng trưởng thương mại tích cực, trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm ở Nam và Tây Á. Liên bang Nga và Trung Á có xu hướng thương mại không ổn định.

C. Tình hình lạm phát
Báo cáo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định, tình tình lạm phát toàn cầu đang giảm dần nhờ thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, giá năng lượng thấp hơn và áp lực chuỗi cung ứng tiếp tục giảm. Ngân hàng Thế giới nhận định, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm nhưng vẫn trên mức mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và ở khoảng 1/4 các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Ở các nền kinh tế phát triển, giảm lạm phát trong giá hàng tiêu dùng dường như đãchạm đáy, trong khi lạm phát trong dịch vụ tiêu dùng vẫn ở mức cao. Tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, nhìn chung lạm phát tiếp tục giảm trong 12 tháng qua, có xu hướng gần bằng hoặc dưới mức trung bình trước đại dịch. Tuy nhiên, tiến độ này diễn ra chậm và không đồng đều ở các khu vực trên thế giới. Lạm phát ở nhiều nền kinh tế đang phát triển đã giảm nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế phát triển, trừ Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát thấp trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu. IMF cũng đồng quan điểm khi cho rằng, lạm phát toàn cầu dự báo sẽ giảm từ mức trung bình 6,8% vào năm 2023, xuống còn 5,9% vào năm 2024.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây